Truy xuất nguồn gốc là một trong những tiêu chí để gia tăng giá trị nông sản. Vì vậy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN, triển khai các ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, đảm bảo các vấn đề về VSATTP, củng cố thương hiệu và mở ra những cánh cửa mới đến với thị trường trong và ngoài nước.
|
Phần lớn các sản phẩm OCOP tham dự Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020 là những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ảnh: Minh Đức |
Ngày 8/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Với nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có những ưu đãi đối với ngành Nông nghiệp, Nghị quyết này được mong đợi sẽ là "cú huých" để nông sản Việt Nam thuận lợi vươn rộng ra “biển lớn”. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ thành hiện thực khi các doanh nghiệp trong nước vượt qua được hàng rào kỹ thuật của thị trường châu Âu và một trong số đó chính là xuất xứ nguồn gốc. Đây là yêu cầu không chỉ với hàng hóa xuất khẩu sang EU, mà được áp dụng ở nhiều quốc gia. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải tuân thủ minh bạch thông tin và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Tại Quảng Ninh, việc truy xuất nguồn gốc đang được thực hiện ở một số sản phẩm nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào sản phẩm OCOP. Đến nay, đã có trên 90% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh được dán tem điện tử, hoặc đã có mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, nhất là việc công bố tiêu chuẩn chất lượng, nâng cấp bao bì, tem nhãn, xây dựng thương hiệu, bảo hộ về nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, các hợp tác xã, trong hơn 1 năm trở lại đây Sở KH&CN đã tổ chức 9 lớp tập huấn phổ biến hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, tiêu chuẩn cơ sở; trực tiếp hướng dẫn 5 đơn vị sản xuất OCOP sử dụng mã số, mã vạch; hướng dẫn xây dựng 52 tiêu chuẩn cơ sở cho 19 đơn vị sản xuất.
Cùng với đó, từ năm 2018, Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch và triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở đã tiến hành thử nghiệm các ứng dụng của hệ thống, đảm bảo hoạt động ổn định các tính năng kỹ thuật theo yêu cầu. Đến nay, hệ thống đã được hoàn thiện phần mềm, có địa chỉ website: https://qn.check.net.vn.
Sở NN&PTNT và đơn vị tư vấn cũng đã tiến hành thu thập, số hóa, cập nhật dữ liệu của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh lên hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất. Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 164 sản phẩm của 23 cơ sở đủ điều kiện cấp phát tem truy xuất nguồn gốc. Thời gian qua, Sở NN&PTNT cũng hoàn thành thiết kế 2 loại tem truy xuất (gồm 1 tem chứa mã QR và 1 tem có chức năng chống giả); thực hiện in 90.000 tem truy xuất các loại. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT) để đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất của tỉnh Quảng Ninh vào hệ thống truy xuất của Bộ.
|
Giao diện website Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được Sở NN&PTNT xây dựng. |
Hiện Sở NN&PTNT và đơn vị tư vấn đang tiếp tục thu thập thông tin, số hóa, cập nhật dữ liệu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đảm bảo theo tiến độ đến hết năm 2020 đạt 250 sản phẩm; tổ chức cấp phát 90.000 tem truy xuất in năm 2019; tiếp tục in ấn và cấp phát 135.000 tem truy xuất in theo kế hoạch đối với 150 sản phẩm cập nhật năm 2020. Song song với đó, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với Sở KH&CN cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện phần mềm của tỉnh. Dự kiến, tháng 7/2020 sẽ đưa vào ứng dụng thực tế.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 25/5/2020 về thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, đến năm 2025 tỉnh sẽ tập trung xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh, tập trung các loại hàng hóa chủ lực, trọng điểm, tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Từ đó, phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn có hệ thống truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần củng cố thương hiệu và gia tăng giá trị của sản phẩm OCOP, tạo dựng niềm tin với khách hàng, cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn: Mục Kinh tế- Báo Quảng Ninh- Tác giả Hoàng Quỳnh