Đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ và cấp 7.771 tài
khoản sử dụng mã QR code cho 2.746 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế
biến, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên
hệ thống. Việc này không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước
giám sát chất lượng mà người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hưởng lợi vì nguồn
gốc sản phẩm được minh bạch.
Đứng ở góc độ của người sản xuất, theo ông Hoàng Văn Khảm - Giám
đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), sau
hơn 2 năm thực hiện truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của hợp tác xã được đối tác
và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Hiện nay, bình quân mỗi năm hợp
tác xã cung cấp 720 tấn rau, quả an toàn cho thị trường. Mỗi ngày, sau khi thu
hoạch tại ruộng, rau được đưa về kho phân loại, sơ chế, dán tem truy xuất nguồn
gốc. Đặc biệt, việc ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QR code
truy xuất nguồn gốc còn nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của người dân
trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Mỗi ruộng rau ở các vùng rau anh toàn Hà Nội đều được cắm một tấm biển, trên đó
có ghi rõ họ tên chủ hộ,
ngày trồng và dòng chữ “an toàn từ ruộng, truy xuất tới hộ”. Ảnh: VNP
Nhà sơ chế HTX Rau sạch Chúc Sơn ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phân loại rau và
đóng gói, dán tem nhãn mác trước khi phân phối ra thị trường. Ảnh: VNP
Trang trại thỏ lấy thịt an toàn của anh Phùng Văn Toàn ở Sơn Tây. Ảnh: VNP
Các vật nuôi lấy thịt như gà, bò được Hà Nội giám sát chặt chẽ từ khâu chọn giống đến khâu tiêu thụ ra thị trường.
Ảnh: VNP
Những năm trở lại đây cây măng tây được trồng
theo tiêu chuẩn VietGap đang đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân xã
Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội).
Ảnh: VNP
Dưới góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Hiền (phường Văn Quán, quận Hà Đông)
cho biết, đây là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hơn
nữa, khi dán tem, người tiêu dùng dễ dàng có thể truy xuất được nguồn gốc xuất
xứ sản phẩm bằng điện thoại thông minh về: Thông tin nơi sản xuất, nhà sản
xuất, tên loại rau, giá cả và ngày, tháng sử dụng. Đặc biệt, việc này tránh
được tình trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trà trộn trên thị trường.
Dưới góc độ nhà quản lý, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất
lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, việc ứng
dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thì người sản xuất
và doanh nghiệp phân phối thực phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về
khâu nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển thực phẩm…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, từ giờ cho đến cuối
năm 2020, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản
xuất, kinh doanh tham gia liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến,
tiêu thụ nông sản ứng dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản
phẩm.
Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT duy trì và phát triển hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm của thành phố các module quản lý chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Bài: QD - Ảnh: VNP
Nguồn: Mục Kinh tế- Báo ảnh Việt Nam ngày 27/08/2020